Hướng dẫn sử dụng cầu trục – cổng trục an toàn

Hướng dẫn sử dụng cầu trục – cổng trục an toàn cho con người và máy móc.
Bài viết hướng dẫn sử dụng cầu trục – cổng trục an toàn cho con người và máy móc dưới đây sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan để tự trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến an toàn. Hãy cùng Vietmysteel.com tham khảo bài viết nhé.
Hướng dẫn sử dụng cầu trục - cổng trục an toàn

Quy tắc an toàn khi sử dụng cầu trục – cổn trục.

  1. Chỉ những người được huấn luyện, qua sát hạch an toàn thiết bị nâng mới được vận hành cầu trục.
  2. Khi nâng hạ chuyển tải gần thiết bị hoặc chướng ngại vật khác, cấm người kể cả công nhân móc tải đứng giữa tải và chướng ngại vật nói trên.
  3. Khi nâng hạ chuyển tải cấm để tải và cần của cầu trục trên đầu người, khi có người phía dưới phải làm tín hiệu để người đó di chuyển tới vị trí an toàn trước khi cho thiết bị chạy qua.
  4. Công nhân móc tải chỉ được phép đứng gần tải nâng, hạ  khi độ cao của tải không lớn hơn 1m.
  5. Khi di chuyển tải theo phương ngang phải nâng tải lên cao cách chướng ngại vật ít nhất là 0.5m
  6. Dây treo tải phải phù hợp với trọng lượng của tải, với số nhánh và góc nghiêng treo tải (góc nghiêng phù hợp không lớn hơn 90o)
  7. Trước khi nâng phải nhấc thử lên độ cao 200-300mm để kiểm tra khả năng nâng chuyển của thiết bị, sau đó mới nâng chuyển tiếp.
  8. Khi hạ tải (gần bằng tải trọng cho phép) đến khoảng cách mặt sàn 200-300mm thì ngừng lại, sau đó hạ từ từ êm nhẹ.
  9. Cấm vừa di chuyển cần trục vừa quay cần đối với cần trục.
  10. Xếp tải phải đồng đều, xếp tải lên phương tiện vận chuyển phải bảo đảm tính cân bằng và ổn định của phương tiện.
  11. Khi bốc xếp tải lên phương tiện vận chuyển, người đứng trên phương tiện phải đứng cách tải đang treo trên móc một khoảng cách an toàn.
  12. Sau khi ngừng làm việc hoặc nghỉ giữa giờ không được treo tải ở trên cao và phải tắt máy hoặc ngắt cầu dao điện.
  13. Cấm nâng hạ và chuyển tải khi có người đứng trên tải. Cấm người đứng trên tải khi tải đang treo.
  14. Không được dùng thiết bị nâng chuyển hàng hoá để chuyển người.
  15. Chỉ được nâng tải theo phương thẳng đứng.
  16. Cấm kéo lê tải trên mặt đất, mặt sàn.
  17. Cấm kéo tải khi đang nâng hạ hoặc di chuyển.
  18. Cấm đứng làm việc trên hành lang của cần trục khi chúng đang hoạt động.
  19. Chỉ được phép dùng hai hoặc nhiều thiết bị nâng để cùng nâng một tải trong các trường hợp đặc biệt và phải có biện pháp an toàn được tính toán và duyệt.
  20. Khi nâng hạ tải phải có ít nhất 02 người: một người điều khiển và một người móc cáp và làm tín hiệu điều khiển cần thiết, người điều khiển chỉ được vận hành thiết bị theo tín hiệu của người đánh tín hiệu
  21. Khi cẩu vật nóng không được dùng dây cáp mà phải sử dụng dây xích.
  22. Khi sử dụng cầu trục có gắn mâm từ cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị an toàn khi mất điện, độ tin cậy của mâm từ, đề phòng rơi tải khi di chuyển, không chạy tốc độ cao, thắng gấp; có biển báo nguy hiểm hạn chế người qua lại khi cẩu đang làm việc.
  23. Tổ trưởng và an toàn viên chịu trách nhiệm kiểm tra dây cáp, dây xích. Công nhân vận hành thấy có biểu hiện không an toàn của dây cáp, dây xích phải lập tức báo với cấp trên và chỉ được phép sử dụng thiết bị nâng đó sau  khi đã xác định đảm bảo an toàn. Nếu dây xích, cáp mòn vượt quá tiêu chuẩn cho phép theo qui định thì phải loại bỏ.
  24. Khi làm các công việc sửa chữa cầu trục di chuyển cẩu tới vị trí an toàn, không gây ảnh hưởng đến vùng hoạt động của các cẩu khác, treo biển báo sửa chữa, bật đèn tín hiệu, cắt nguồn điện treo biển cấm thao tác. Tuân thủ các quy tắc an toàn khi làm việc trên cao.

Vận hành cầu trục – cổng trục an toàn.

Để vận hành cầu trục chúng ta thực hiện như sau:
  • Trước khi vận hành phải tiến hành kiếm tra các cơ cấu của cầu trục: Cáp thép, móc, phanh, kết cấu thép, điện 3 pha có đủ hay không…nếu đảm bảo an toàn và có đủ điện 3 pha thì mới tiến hành vận hành cầu trục. Nếu trong quá trình kiểm tra phát hiện có cơ cấu nào không đảm bảo an toàn hoặc bị hỏng phải báo ngay cho đơn vị sửa chữa hoặc người phụ trách biết để tiến hành sửa chữa kịp thời, khi nào sửa chữa xong mới được vận hành cầu trục. Trước khi vận hành và di chuyển trải trọng phải dùng tín hiệu theo quy định để báo cho mọi người biết.
  • Muốn điều khiển được cầu trục trước tiên phải mở áptomat trong tủ điện. Sử dụng điều khiển cầm tay, tích hợp các chức năng làm điều khiển Palang, dầm ngang, nâng hạ móc. Trước khi sử dụng ta phải bấm nút Start màu xanh để mở nguồn rồi mới sử dụng nút bấm theo các hướng, Khi không sử dụng thiết bị nữa hoặc giờ nghỉ thì bấm nút Stop màu đỏ để tiết kiệm được Pin (Pin đang sử dụng là Pin AAA). Một số cầu trục sử dụng cabin điều khiển thì trong cabin có 3 hộp tay gạt điều khiển. Tuỳ theo cấu tạo của từng loại hộp tay gạt mà mỗi chuyển động có từ 3 đến 5 số. Mỗi số này sẽ cho chúng ta các tốc độ khác nhau theo xu hướng tốc độ tăng dần.
  • Trong khi vận hành cầu trục phải thao tác thận trọng, chú ý tới tính chất của vật nâng để đảm bảo thật cân bằng khi di chuyển và đặt vật tải. Không được vận hành cùng một lúc quá hai cơ cấu.
  • Người vận hành không được rời khỏi vị trí khi cầu trục đang làm việc. Không được nâng quá tải trọng cho phép của thiết bị, không nâng vật khi không biết tải trọng của nó.
  • Trước khi nâng chuyển tải phải tiến hành nhấc tải lên độ cao không lớn hơn 30mm, giữ tải để kiểm tra phanh, độ bền của kết cấu thép và độ ổn định của cầu trục. Nếu không đảm bảo an toàn, phải hạ tải xuống để xử lý. An toàn thì mới được tiếp tục cẩu.
  • Quan sát quá trình dây cáp chuyển động qua ròng rọc để điều khiển cầu trục sao cho dây cáp không bị xoắn hoặc chồng chéo lên nhau.
  • Khi cẩu vật phải cầu theo phương thẳng đứng, không cẩu khi để dây cáp ở trạng thái xiên. Khi cẩu vật dài phải có vật phụ trợ để hướng tải đi theo 1 hướng nhất định. Nếu trong trường hợp công nhân buộc móc tải không đảm bảo an toàn thì nghiêm cấm tiến hành cẩu vật mà phải yêu cầu buộc, móc tải lại khi nào đảm bảo an toàn mới tiếp tục cẩu.
  • Cấm dùng các bộ phận ngừng tự động để dừng máy thay cho công tắc điều khiển.
  • Khi vận hành cầu trục, phát hiện có người tiến lại gần vật tải đang treo lơ lửng thì phải báo hiệu cho họ tránh xa hoặc lái vật cẩu ra xa người đó nếu có thể được.
  • Không cho người bảo dưỡng và sửa chữa lên cầu trục khi cầu trục đang làm việc.
Hướng dẫn sử dụng cầu trục - cổng trục an toàn

Checklist kiểm tra an toàn trước khi khởi động

1. Trước khi khởi động

  1. Kiểm tra bên ngoài hệ thống đường ray, liên kết ray của máy trục, kiểm tra hệ thống di chuyển bánh xe, công tắc hạn chế di chuyển…
  2. Kiểm tra khung cần trục, lan can, bậc lên xuống, ray xe con, bulông liên kết ray, di chuyển xe con và các công tắc hạn chế hành trình.
  3. Kiểm tra động cơ điện, tủ điện, các hệ thống dây dẫn, dây điện nguồn, cầu dao tổng… xem xét kỹ càng và cẩn thận.
  4. Kiểm tra cáp, tời, hộp số móc và các cơ cấu hạn chế hành trình.
  5. Sự quấn cáp trên tời, nhớt trong các hôp giảm tốc… và bôi trơn nếu cần.
  6. Kiểm tra các đồng hồ báo, đèn, kèn báo( nếu có ) của hộp bấm điều khiển cầu trục.
  7. Kiểm tra ánh sáng phục vụ tại hiện trường xem đủ để làm việc an toàn hay không.

2. Kiểm tra hoạt động

  1. Tiến hành đóng các hệ thống cầu dao tổng rồi thử hoạt động của các cơ cấu nâng móc, phanh hãm, di chuyển xe con, cầu trục, xem xét hoạt động của các đồng hồ, đèn, kèn báo, công tắc hạn chế hành trình.
  2. Sau khi thử hoạt động của các cơ cấu nếu thấy đảm bảo thì cho cầu trục ra hoạt động.
Hướng dẫn sử dụng cầu trục - cổng trục an toàn

Một số nghiêm cấm khi sử dụng cầu trục cổng trục.

  • Người đứng phía dưới móc hàng lúc di chuyển cũng như xả hàng.
  • Kéo lê tải trong lúc hoạt động.
  • Người không có trách nhiệm vào lái.
  • Điều khiển hoạt động khi có người đứng trên cầu trục ( trừ các trường hợp kiểm tra thiết bị khi cần thiết).
  • Hoạt động khi có các hiện tượng lạ.
  • Không được vừa nâng tải vừa quay hoặc di chuyển cần trục.
  • Không được nâng, hạ tải vượt quá vận tốc quy định.
  • Không được nâng, hạ hoặc chuyển tải khi có người ở trên tải.
  • Cấm dùng cần trục để chở người.
  • Không chuyển tải qua người ở phía dưới.
  • Không treo tải lơ lửng trong lúc ngưng cẩu.
  • Không làm việc lúc có gió mạnh, khi tốc độ gió từ cấp 5 trở lên.
  • Không làm việc lúc tối trời, sương mù không đủ ánh sáng.
Công ty cổ phần VMSTEEL
  • HotLine: 0975.725.709
  • Website: www.vietmysteel.com
  • Email: cskh.vietmysteel@gmail.com
  • Factory 1: 612 Nguyễn Thị My, xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM
  • Factory 2: Đường Thuận Giao 25, Phườn Thuận Giao, Thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương.
  • Factory 3: Đường DT 824, ấp Đức Hòa Đông, Huyện Đức Hòa, Tỉnh Long An.