Giá thép bất ngờ giảm 3 lần liên tiếp

Trong tháng 5, giá thép trong nước đã giảm 3 lần liên tiếp sau đà tăng lên mức cao nhất lịch sử. Mới đây, mỗi tấn thép tiếp tục giảm nửa triệu đồng/tấn.

Giá thép giảm 3 lần liên tiếp trong tháng 5/2022

Thị trường giá thép trong nước

Giá thép tại TP.HCM

  • Sáng 30.5, một số cửa hàng vật liệu xây dựng tại TP.HCM cho hay giá sắt thép các loại được nhiều doanh nghiệp công bố giảm khoảng 200.000 đồng/tấn. Đây là đợt giảm lần thứ ba chỉ từ đầu tháng 5 đến nay. Như vậy, hiện giá thép xây dựng đang dao động từ 17,5 – 18,6 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm thuế giá trị giá tăng).
  • Tính chung trong tháng 5, giá thép các loại đã giảm từ 700.000 đồng – 1,1 triệu đồng/tấn, đưa giá hạ nhiệt so với đỉnh cao trong tháng 3.

Giá thép tại Miền Bắc

  • Tại miền Bắc, thương hiệu thép Việt Đức điều chỉnh giảm 490.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 390.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá của hai sản phẩm này hiện lần lượt còn 17,32 triệu đồng/tấn và 17,98 triệu đồng/tấn.

Giá thép tại Miền Trung

  • Tại miền Trung, Việt Đức giảm 500.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm 390.000 đồng/tấn đối với thép thanh vằn D10 CB300. Mức giá mới lần lượt là 17,57 triệu đồng/tấn và 17,98 triệu đồng/tấn. Đây là một trong những doanh nghiệp có mức giảm giá thép mạnh nhất.
  • Tương tự, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc điều chỉnh giảm 210.000 đồng/tấn đối với thép CB240 còn 17,64 triệu đồng/tấn. Thép D10 CB300 cũng được Hòa Phát giảm 270.000 đồng/tấn còn 18,01 triệu đồng/tấn.

Lý do nào khiến giá thép quay đầu giảm?

  • Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), giá quặng sắt loại 62% Fe ngày 9.5 giao dịch ở mức 139 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 16 USD/tấn so với thời điểm đầu tháng 4. Mức giá này cũng giảm khoảng 71-73 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5.2021;
  • Giá thép phế liệu loại HMS ½ 80:20 nhập khẩu tại cảng Đông Á ở mức 530 USD/tấn CFR giảm 94 USD/tấn so với đầu tháng 4.2022. Giá thép cuộn cán nóng HRC ở mức 797 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 81 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 4.2022.
  • Giá thép giảm còn do tiêu thụ giảm trong tháng 4 vừa qua. Nguyên nhân là do giá vật liệu xây dựng như thép, xi măng và đá xây dựng tăng cao khiến cho việc triển khai dự án chậm lại.
  • Theo đó, sản xuất thép thành phẩm đạt 2,962 triệu tấn, giảm 11,28% so với tháng 3.2022 và giảm 1,1% so với cùng kỳ 2021; Bán hàng thép các loại đạt 2,419 triệu tấn, giảm 22,52% so với tháng trước và giảm 15,6% so với cùng kỳ.
  • Về thị trường, VSA nhận định, ngành thép trong nước sẽ tăng trưởng 15-20% trong năm nay, bởi nhiều dự án đầu tư công có quy mô lớn khởi công. Đáng kể, nhất là các tuyến cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến đường vành đai… sẽ giúp lượng thép tiêu thụ phục hồi mạnh mẽ.
Mặt khác, ngành thép sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công trên thế giới (năm 2021, giá thép có thời điểm tăng tới 45-50% so với năm 2020).
Trong khi đó, Bộ Công Thương dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường các ngành chế tạo của Việt Nam giai đoạn đến 2030 có thể đạt tới 310 tỉ USD; trong đó nhu cầu thị trường từ cơ khí phục vụ công trình công nghiệp là 120 tỉ USD; cơ khí xây dựng, nông nghiệp, chế biến là 15 tỉ USD; giao thông đường sắt là 35 tỉ USD, tàu điện ngầm là 10 tỉ USD và ôtô là 120 tỉ USD. 
“Đây sẽ là thị trường rất lớn cho ngành thép trong nước, đặc biệt là thép chế tạo, hợp kim chất lượng cao”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.